Đặc Sản Món Ngon Mọi Miền - Món Ăn Dễ Làm

Đặc sản ngon mọi miền đất nước

Tin Món Ăn Mới

Menu
Previous
Next

Những Món Ngon

Món Ngon Việt Nam

Món Ngon Mỗi Ngày

Đồ Uống - Chè Ngon

Món Ngon Miền Bắc

Món Ngon Miền Nam

Món Ngon Miền Tây

Món Ngon Miền Trung

Recent Posts

Độc đáo từ món sò mai

Thứ Sáu, 15 tháng 8, 2014 / No Comments
Với nhiều cách chế biến thành những món ăn thơm ngon, hấp dẫn, sò mai biển đang dần trở thành một trong những mặt hàng hải sản đem lại nguồn lợi lớn cho ngư dân.

Sò mai (hay còn gọi là còi biên mai) là một loại hải sản rất được yêu thích trong các nhà hàng, là một trong năm món ăn đặc sản tại Phú Quốc (Kiên Giang).


Một số nơi ngư dân còn gọi là con bắp chuối vì nó có thân lớn, vỏ phình ra giống như bắp chuối.


Sò mai là loại sò biển hình tam giác, to cỡ mu bàn tay người lớn, sống dưới lớp bùn đáy biển. Những du khách yêu thích khám phá, chỉ cần một kính lặn, một ống hơi là có thể lặn xuống biển “săn" sò mai.


Sò mai có màu nâu thẫm, dạng nan quạt (dẹp, suôn dài như cây quạt khép hờ), trọng lượng hơn cả ký (nặng gấp nhiều lần sò huyết), ruột to, vỏ mềm dễ tách.


Theo các ngư dân thì thịt thân con sò mai nhão, không ngon. Duy nhất chỉ có 2 lớp cơ thịt (to cỡ đồng xu, dầy chừng nửa lóng tay) nối liền 2 mảnh vỏ gọi là “còi” là ngon nhất.


Sò mai có thể chế biến nhiều món ăn ngon mang hương vị biển như: xào (nấm rơm, nấm đông cô, củ hành, cải bẹ xanh), nướng muối ớt, nướng chao, nhúng lẩu…


Món sò mai nướng mỡ hành hấp dẫn này thường được dùng nóng với nước mắm tỏi ớt chua ngọt


Sò mai hấp tỏi thơm ngon, hấp dẫn

Đậm đà hương quê: canh bình bát vịt lộn

Thứ Bảy, 9 tháng 8, 2014 / No Comments
Ở quê tôi bình bát là một loại dây leo thường mọc hoang um tùm quanh bờ rào, lối đi, vách tường, ụ đất hay “gởi thân” trên những cây ăn quả khô tươi trong vườn nhà, mặt lá trơn mướt màu xanh đậm, thuộc họ bầu bí.
Lá bình bát mọc so le, hình trái tim, hoa màu trắng, có năm cánh. Trái lúc còn non có màu xanh giống như dưa leo, to bằng ngón tay cái, vị đắng, lúc chín có màu đỏ rực, ăn khá ngon, ngọt.

Dây leo rau bình bát

Vào những ngày hè nóng nực người dân quê thường tìm các loài rau vườn có vị thuốc như: rau mướp đắng rừng, rau má, rau bồ ngót, mồng tơi, cải trời… để nấu canh, cải thiện bữa ăn gia đình giúp cho cơ thể thanh nhiệt. Đặc biệt trong các loài cây cỏ mọc tự nhiên ngoài vườn, có một loài dây leo leo rất khỏe, dùng nấu canh ăn rất ngon và ngọt, được nhiều người ưa thích.

Bình bát (có nơi còn gọi là rau bát, dưa dại…), ai đã từng ăn qua một lần sẽ khó mà quên, bởi cái hương vị ngọt mát, thanh nhẹ từ những muỗng canh cho người ăn cái cảm giác nóng bức dường như đang dần hạ nhiệt, vừa thơm, vừa ngọt, một vị ngọt đậm đà, đặc trưng.

Trái bình bát

Trong y học cổ truyền, rau bát có vị ngọt mát. Tác dụng: mát phế, thanh vị, nhuận táo, sinh tân dịch, dưỡng âm, tiêu độc. Người bệnh tiểu đường hái lá non dây bát 100g, thịt cua 50g, gia vị vừa đủ nấu canh ăn thường xuyên sẽ giảm lượng đường đáng kể. Hoặc dùng ngọn, lá non, cả hoa quả rửa sạch ăn sống hoặc xay nước uống đều được

Theo kinh nghiệm dân gian, củ bình bát có thể ngâm rượu dùng xoa bóp chỗ sưng đau, viêm khớp. Trái bình bát có thể trị tiểu đường, lá tươi dùng nấu nước tắm trị ghẻ ngứa hoặc đâm nhuyễn đắp nơi mụn nhọt, lở loét hay vết cắn của côn trùng. Rau ra hoa kết quả gần như quanh năm. Dịch lá và rễ dùng trị bệnh đái đường. Dùng dịch chiết từ thân cây để trị bệnh đau giác mạc. Ở Ấn Ðộ người ta dùng cả cây để làm thuốc trị bệnh lậu. Lá dùng đắp ở ngoài da trị phát ban da, trị ghẻ lở, mụn nhọt, các vết thương và các vết cắn của rắn rết. Ở Inđônêxia, người ta còn dùng cây làm thuốc trị bệnh đậu mùa, đau dạ dày và ruột.

Rau bình bát thường xuất hiện trong những bữa cơm gia đình của người dân quê. Đây là món rau “tự nhiên” rất dân dã của miệt vườn vùng nông thôn, các bà nội trợ thường dùng để luộc hay nấu canh rất ngon. Khi nấu chín, lá vẫn còn độ giòn rất riêng, vị ngọt thanh, người dân quê gọi đó là đặc sản của vùng thôn dã yên tĩnh.

Hôm nào trời mưa hay không phải ngày chợ phiên, mẹ tôi lại ra vườn hái đọt và những chiếc lá non bình bát lành lặn, đem rửa sạch, để ráo và nấu canh. Rau bình bát không kén đồ nấu, tùy khẩu vị mà có thể kết hợp nấu canh với tôm, tép, thịt heo, thịt bò, cá trê, cá lóc v.v…sẽ có bát canh bổ dưỡng với vị ngọt mát tự nhiên tăng thêm hương vị cho bữa cơm gia đình, dù nấu với bất cứ thứ gì thì khi ăn vẫn ngửi được mùi thơm của rau và người ăn sẽ có cảm nhận rõ vị ngọt béo mà không thể lẫn với bất cứ loại rau nào.

Nhưng muốn có một tô canh lá bình bát có mùi vị đặc trưng, vừa ngọt lại thơm ngon, đúng bài, đúng điệu và có hàm lượng dinh dưỡng cao thì không có thứ đồ nấu nào sánh kịp khi nấu canh với hột vịt lộn. Tô canh rau bình bát nấu hột vịt lộn rất đặc trưng múc ra còn nóng hổi, nhìn bắt mắt ăn với cơm nóng lúa mới đã ngon lại bồi bổ cho sức khỏe. Vị ngọt của canh hòa quyện với mùi thơm ngọt của gạo mới… ăn hoài không biết ngán. Hoặc làm lẫu hột vịt lộn ăn với bún và món rau chính của lẫu là rau bình bát.

Lá và ngọn rau bình bát nấu canh hột vịt lộn

Khi nấu canh các bạn phi hành với dầu vừa vàng thơm, đổ ít nước đã đun sôi, nêm các loại gia vị cho vừa ăn, cho trứng vịt lộn vào đậy kín nắp cho trứng chín, cho rau bình bát vào đun lửa lớn vừa sôi là nhắc xuống liền không để lâu rau chín quá mất ngon.

Còn nhớ ngày ấy quê tôi nghèo xơ xác, những năm hạn hán, bão lụt gây mùa màng thất bát, làng quê nhà nào cũng nghèo đói khốn khổ, một lon gạo độn một “rá” khoai khi thì lang khi thì sắn, cả nhà tôi bữa cơm không nhờ có món canh bình bát nấu với mấy con cua đồng “đẩy trôi” khoai thì cũng dễ “mắc nghẹn” như chơi. Còn món vịt lộn nấu với bình bát phần lớn chỉ dành để chiêu đãi khách khứa và những người thân quen từ xa đến thăm hay những người mới ốm dậy, đau yếu bệnh tật cần bồi bổ mới được thưởng thức.

Ngày nay, đời sống kinh tế của cư dân quê tôi cũng khá dần lên, đám cưới đám giỗ, ngày lễ ngày tết được thưởng thức nhiều món ăn ngon mới lạ. Nhưng khi có khách quý tới thăm nhà mẹ tôi vẫn không quên nấu món canh bình bát hột vịt lộn để đãi khách, món ăn tuy dân dã nhưng rất độc đáo mà chắc ít có người thành thị được thưởng thức hay biết đến, bởi cái “tinh hoa” của vườn quê đất mẹ là một trong những yếu tố cấu thành nên món ngon khá “đặc biệt” có nhiều giá trị dinh dưỡng này cộng thêm hương vị thơm ngon của rau thấm đẫm đến tận chân răng đầu lưỡi, nên thực khách rất vui, hài lòng và nhớ đời.

Theo năm tháng dãi dầu, bây giờ lớn lên đi xa, mưu sinh nơi chốn phồn hoa phố thị, những món ăn dân dã ngày xưa ở quê cũng đã thành kỷ niệm, ví như nhịp sống của quê hương trên mỗi bước đường... và cuộc đời con người cũng đã đi qua không ít những chặng đường đó. Thỉnh thoảng nhớ món ngon quê nhà lại ra chợ tìm mua mớ rau bình bát về nấu với hột vịt lộn, nhưng cũng chẳng dễ dầu gì có để mà mua.

Theo Mỹ Nhân (Dân Việt)

Cá Mương cuốn bánh tráng

Thứ Ba, 29 tháng 7, 2014 / No Comments

Cá Mương cuốn bánh tráng là đặc sản vùng miền Phú Yên. Nếu bạn có dịp về Phú Yên hãy thử món này nhé.

Cá mương là một loại cá nước ngọt xương mềm, thường sống ở những vùng khe lạch, sông suối có dòng chảy nhẹ, tập trung nhiều nhất ở mạng sông thuộc 2 huyện Đồng Xuân và Tuy An của tỉnh Phú Yên. Loài cá này kích cỡ nhỏ nhất như ngón tay út và lớn nhất là khoảng cỡ ngón tay cái của người lớn.

Cá có màu ánh bạc rất sáng và sinh sống quanh năm, nhưng thường vào những tháng mùa mưa lụt thì thưa dần, vì loài cá này không chịu được dòng nước chảy mạnh. Đây là nguồn cá thiên nhiên, sạch và chỉ có ở một số vùng miền chứ không thông dụng như những loài cá khác.


Cách làm món cá mương rất đơn giản. Cá có thể được chiên giòn rụm hay nướng muối ớt thơm phức đem cuốn bánh tráng với rau sống, chấm nước mắm mặn nguyên chất xẻ một vài trái ớt sim xanh thì ngon không lời nào tả hết. Vì thịt và xương cá mương rất mềm, thể trạng lại nhỏ nên thông thường chiên giòn thì giữ nguyên trạng con cá đẹp hơn, còn đem nướng thì dễ bị gãy.

Cá chiên lên giòn rụm, vàng ươm và rất thơm, không có mùi tanh, xương mềm như không hề cảm nhận có xương nên rất dễ ăn cho cả người già và trẻ con. Với thanh niên, đó là món khoái khẩu không chê vào đâu được, đặc biệt là ăn chung với một nhóm bạn hay đôi lứa hẹn hò, ngồi cuốn cho nhau ăn rất thú vị và đầy ắp tình cảm.

Bí quyết để món cá mương thơm giòn là để cá thật ráo nước, thậm chí lau khô từng con cá rồi mới đem chiên, bảo đảm con cá sẽ vàng ươm, thơm phức và giòn tan kéo dài hơn cả nửa giờ đồng hồ trước gió. Một mẻ cá khoảng 30 con chỉ mất 5 phút để chiên.

Có thể dùng cá mương để ăn chơi hoặc ăn với với cơm trắng như những món ăn thông thường khác trong bữa cơm gia đình. Nhưng ngon nhất vẫn là cuốn với bánh tráng, một ít rau sống, rau thơm, giá đỗ, dưa leo, thêm một ít bánh tráng bóp vụn  rồi quấn tròn lại chấm với nước mắm ớt sim xanh cay xè.
(theo ihay)

Đặc sản vùng biển: Cua Huỳnh Đế

/ No Comments

Cua Huynh Đế là món đặc sản vùng biển mà ai cũng biết.

Không như những loài cua thông thường khác, cua huỳnh đế to lớn đẫy đà, xấp xỉ 500g – 1kg/con. Mới nhìn thoáng qua lại giống như một chú nhện khổng lồ, lông tua tủa, hai càng đưa ra như cái “mỏ lếch” nhưng có cái “lưng” bầu tròn và toàn thân màu đỏ hồng rất đáng yêu. Lý giải cho cái tên có phần khá độc đáo này, các cụ quê tôi bảo rằng thuở xa xưa khi nhà vua vi hành và tình cờ nếm thử món cua này. Ngạc nhiên với hình thù đặc biệt, vị thịt thơm ngon, khi ăn cho cảm giác sung mãn nên đã lệnh cho ngư dân thường xuyên dâng lên hoàng cung để vua thưởng thức. Cua huỳnh đế có thịt chắc, gạch thơm và béo ngậy hơn hẳn các loại cua ghẹ khác. Loài cua này chỉ “tạm trú” ở những vùng biển sạch, đáy biển có cát và nguồn nước trong xanh như các vùng biển ở huyện đảo Phú Qúy (Bình Thuận), Quy Nhơn (Bình Định), Cam Ranh (Khánh Hòa)… nước ta.



Ở huyện đảo Phú Quý quê tôi, vào những tháng mùa xuân biển rất êm là thời điểm cua huỳnh đế phát triển thành đàn đông đảo. Lúc này, những chú cua huỳnh đế lại mò mẫm ra khỏi hang, kiếm tìm nhau và để làm… công việc duy trì nòi giống. Lũ cua như bắt đầu một cuộc sống mới, lại có thức ăn đủ đầy, chúng phát triển rất nhanh, con nào cũng đẫy đà, da bóng láng mượt mà.


Chịu khó “canh chừng” các tàu của ngư dân đánh bắt cua cập bến, mua ngay vài con cua huỳnh đế để còn “vo ve” về hấp vừa chín tới, gỡ thịt cua chấm với muối tiêu chanh thêm chút ớt băm “đưa cay” với vài ly bia mát lạnh thì đã nhất trần đời! Nhưng, cái ngon ấy chỉ dừng lại ở cái ngon… dân dã. Cua hùynh đế, muốn lạ miệng hơn nữa, má tôi thường nấu cháo với chút hành lá, hành củ và tiêu bột. Cua cũng hấp qua vài phút cho chín tới, cũng chờ mùi của cua thơm phức bốc lên là vớt ra ngay, nhưng… hãy khoan ăn vội! Cứ rửa sạch những cọng hành lá, xắt mỏng những củ hành để sang bên rồi nhẹ nhàng gỡ từng thớ thịt và múc từng muỗng gạch cua thơm lừng ra một chiếc tô sạch, cho củ hành xắt mỏng vào chảo dầu phi vàng rồi cho tiếp gạch cua, thịt cua vào xào ít phút, thêm chút gia vị và khi nghe mùi thơm thoảng ra khắp nhà là tắt bếp ngay. Nhanh tay trút hết hỗn hợp thịt cua thơm lừng ấy vào nồi cháo trắng đang sôi ùng ục, thêm chút nước mắm, rắc tiêu đen và hành lá lên trên. Đơn giản là thế nhưng không phải ai làm cũng ngon, mặn quá hay cay quá sẽ làm món ăn mất vị ngọt, mà nhạt quá sẽ làm món ăn có mùi tanh. Mùi thịt cua thơm lừng, vị gạch cua béo ngậy quyện cùng hương gạo lúa mới, vị cay của tiêu, vị mặn dìu dịu của nước mắm – tất cả vị giác như được đánh thức!

Nhưng giờ, giống cua này đã được nâng lên thành đặc sản, ngày càng hiếm nên ngay cả người dân quê cũng rất ít khi được thưởng thức. Thi thoảng vẫn có cua huỳnh đế được ướp đá, đưa vào các siêu thị ở Sài Gòn, không còn tươi ngon, nhưng giá vẫn rất đắt. Hiện giá của con cua huỳnh đế bán tại bản địa loại khoảng 1kg/con khoảng 500.000 – 800.000 đồng/kg, loại  400g – 600g/con có giá khoảng 450.000 đồng/kg. Tuy nhiên, khi vào đến nhà hàng đặc sản, giá có thể đội lên gấp nhiều lần.

Theo Nguyễn Mận (Món ngon Việt Nam)

Món ngon chị em: Ốc bưu nướng nước mắm

Thứ Hai, 28 tháng 7, 2014 / No Comments
Món ngon mà các chị em nào cũng thích món ốc bưu nướng nước mắm.

Ốc bươu không chỉ ngon khi nướng cùng tiêu xanh đâu nhé. Nó có thể đem nướng cùng nước mắm và sự hấp dẫn thì khó mà có thể so sánh được.

Tuy hương vị có thể khác nhau một chút nhưng khi ăn ốc bươu nướng nước mắm vẫn mang đến cảm giác thích thú vô cùng. Cách chế biến món ốc bươu này cũng rất đơn giản, nguyên liệu dễ kiếm. Chỉ cần bạn chú ý một chút là đã có thể đãi cả nhà món ăn ngon chẳng khác gì đặc sản.


Nguyên liệu:

- 1/2 kg ốc bươu
- 1 muỗng súp nước mắm ngon
- 1 muỗng súp tỏi băm
- 1 muỗng súp gừng băm
- 2 muỗng cà phê tiêu
- 1 muỗng cà phê đường

Thực hiện:

- Ốc bươu đem về rửa sạch bên ngoài, cho vào chậu ngâm với nước có một trái ớt được đập giập để nhả nhớt trong 2 giờ.
- Gừng băm, tỏi băm vắt nước hoà với nước mắm, đường và tiêu.
- Cho hỗn hợp này vào từng con ốc ướp khoảng 15 phút.
- Sau đó nướng trên lửa than.

Đặc sản miền Tây: Gỏi rau càng cua

/ No Comments

Đặc sản miền Tây Nam Bộ là món trứ danh rau càng cua vừa ngon lại dễ làm.

Rau càng cua mọc tự nhiên, xanh tốt hơn sau những trận mưa, mọc ở khắp bờ ruộng, vườn chuối, góc ao, bụi bầu… đâu đâu có đất ẩm là càng cua mọc lên xanh um. Có khách xa tới nhà, chỉ cần cắp chiếc rổ con, quơ vài cái đã được lưng rổ, chao qua vài lần nước cho sạch, lộ ra những lá rau hình trái tim xanh non mơn mởn.

Về Tây Nam Bộ đừng quên thưởng thức gỏi rau càng cua

Thứ rau mọng nước này dùng để trộn gỏi, bóp dấm là đúng bài nhất. Nhà miệt vườn, có gì trộn nấy. Chuẩn bị cầu kỳ thì làm món rau càng cua trộn thịt bò dầu giấm. Thịt bò sau khi tẩm ướp gia vị thì đảo qua trên chảo nóng phi hành thơm, rồi phải để nguội mới trộn, nếu không muốn thứ rau mỏng manh bị thịt nóng làm tái, mất vị.

Đơn giản hơn thì chút tôm khô, da heo, hay nhúm tép đất… trong nhà có thứ gì thì mang ra trộn mời khách, người miền Tây hiền hậu là vậy. Thứ quan trọng của món này là phải pha được nước dầu giấm ngon, tạo được vị chua ngọt vừa miệng, giữ được hồn của món gỏi trộn. Dầu ăn phi tỏi cho thơm, bỏ xác tỏi, pha giấm hoặc nước cốt chanh, thêm chút đường, muối tiêu, ớt bằm nhuyễn nếu muốn ăn cay. Chỉ cần rắc thêm đậu phộng rang, trộn đều, vài lát cà chua xếp quanh đĩa, là có món gỏi rau càng cua ngon miệng và bắt mắt.

Về Tây Nam Bộ đừng quên thưởng thức gỏi rau càng cua

Vị chua chua hơi the từ lá rau giòn xốp cùng với bùi bùi của đậu phộng, cay cay của trái ớt xanh vườn nhà, mằn mặn của miếng tôm khô, tất cả hòa quyện với nhau thành một vị đặc biệt nhưng thật dân dã, hơn tất cả, là hương vị của miền đồng ruộng quê nhà từ sâu thẳm trong ký ức.

Không chỉ làm gỏi, rau càng cua cũng là thứ rau sống cùng với cải xanh, đọt xoài, rau thơm… mà người Nam Bộ hay ăn cùng với bánh xèo, bánh cống.

(theo monngonsaigon)